Thợ cầu bên bờ Nam Sông Hậu

Đến Cần Thơ, chúng tôi quyết định để ô tô “nằm lại” bên bến Ninh Kiều rồi lên thuyền cao tốc sang Sóc Trăng. Ông Nguyễn Xuân Nuôi, một cán bộ của Công ty Cổ phần XDCT 525 nói với tôi: “Tối nay ngủ một đêm ở công trường Nam sông Hậu, chú sẽ cảm nhận được nhiều cái hay”. Tôi háo hức: “Sao không cho ô tô lên phà sang bên đó mà phải đi thuyền?”. Ông Nuôi nói: “Công trường nằm ở khu vực không có đường ô tô. Anh em đều phải đi bằng ghe thuyền!”. Hoá ra là vậy.

Công trường xây dựng tuyến đường Nam sông Hậu nối Cần Thơ đến Hậu Giang, qua Sóc Trăng rồi dừng lại ở Bạc Liêu do PMU Mỹ Thuận làm chủ đầu tư. Công ty 525 là một trong những đơn vị thuộc Tổng Công ty XDCTGT5 tham gia thi công. Phần việc của Công ty 525 ở đây gồm xây dựng 4 cầu Mương Khai, Cái Cau, Cái Trâm, Rạch Mọp. Khu vực “4 cầu” nằm ở mạn Đông huyện Kế Sách và là “vùng sâu vùng xa” của tỉnh Sóc Trăng. Hệ thống đường bộ ở đây chỉ sử dụng được cho xe hai bánh và người đi bộ.

Do vậy, toàn bộ nguyên vật liệu cung cấp cho công trường đều phải đi theo đường thuỷ, tập kết ở Cảng 72 thuộc tỉnh Vĩnh Long rồi cho xuống sà lan chở đến hiện trường. Phương tiện đi lại của CBCNV công trường chủ yếu cũng bằng tàu, thuyền, xe gắn máy hoặc… đi bộ.

Sau hơn 30 phút rẽ sóng lướt về phía hạ nguồn sông Hậu, chiếc tàu cao tốc cập vào một bến “cóc” ở bờ Nam. Ông Nuôi giới thiệu: “Đây là bến “Ban điều hành”. Sở dĩ nó có tên như vậy vì từ ngày có trụ sở Ban điều hành công trường ở đây thì mới có cái bến này”. Mặc dù bến chủ yếu phục vụ cán bộ công nhân công trường, nhưng mỗi ngày bốn chuyến tàu qua lại hầu như chuyến nào cũng cập bến để đón trả khách.

Công ty 525 đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để xây dựng cầu bến kiên cố bằng bê tông cốt thép. Ông Nuôi nói: “Đây cũng là món quà của đơn vị dành cho nhân dân địa phương”. Trụ sở Ban điều hành nằm ngay cạnh bến. “Đó là một ngôi nhà cấp 4 tuềnh toàng, rộng khoảng 300 m2, được xây dựng trên một khoảnh đất mướn của dân. Từ khoảng sân nhà trụ sở Ban Điều hành nhìn ra phía sông Hậu, người ta có thể “chiêm ngưỡng” cảnh thuyền bè qua lại xen lẫn từng đám lục bình lặng lờ trôi xuôi.
Đã mười hai giờ trưa, anh em cán bộ, kỹ sư vẫn miệt mài bên bàn làm việc. Anh nào trông cũng phờ phạc. Một thanh niên gầy nhỏ, mặt hơi xanh tiến ra bắt tay chào hỏi chúng tôi với dáng vẻ mệt mỏi, nhưng đôi mắt vẫn ánh lên nét xởi lởi. Đó là Lê Văn Tín, Chỉ huy trưởng Công trường. Quê Tín ở thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Tốt nghiệp Khoa Cầu đường Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng năm 1999, anh “đầu quân” ngay vào Công ty 525. Là một kỹ sư trẻ nhưng trước khi đến Nam sông Hậu, Tín đã trải qua không dưới 10 công trường của Công ty trải dài từ Bắc chí Nam.
Từ ngày khởi công Công trường 4 cầu trên tuyến Nam sông Hậu, vào cuối tháng 6 năm 2006, Công ty 525 đã xác định đây là một trong những trọng điểm cần tập trung năng lực và quyết định tung vào một lực lượng khá hùng hậu. Trên công trường thường xuyên có 8 đội thi công với hơn 150 cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật và hàng chục thiết bị đặc chủng. Việc thi công dự án gặp rất nhiều khó khăn.
Vì là vùng sông nước nên không thể khai thác vật liệu tại chỗ mà phải mua từ những địa phương khác cách xa công trường từ 300 đến 400 cây số, chủ yếu là từ Campuchia, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh. Do vậy giá thành đội lên rất cao. Đôi lúc việc vận chuyển cung cấp gặp trở ngại, ảnh hưởng tiến độ thi công. Đó là chưa kể đời sống cán bộ kỹ sư và công nhân lao động hết sức vất vả.
Họ phải ăn ở trên công trường trong những lán trại tạm bợ, xa chợ, xa thị trấn, xa bệnh viện và gần như bị “cô lập”. Có lẽ chiếc ti vi là phương tiện giải trí duy nhất của anh em trên công trường trong những giờ nghỉ. Tuy nhiên, do tiến độ đòi hỏi bức bách, đến giữa năm 2008 phải hoàn thành bàn giao, nên đơn vị phải quyết tâm khắc phục mọi thứ để làm.
Từ đầu năm đến nay, toàn công trường được tổ chức làm 3 ca. Lê Văn Tín nói: “Đối với các cầu Mương Khai, Cái Cau, Cái Trâm đơn vị tổ chức thi công theo cách “cuốn chiếu”. Tính đến thời điểm tháng 7/2007 cầu Mương Khai đã làm được 75% khối lượng, cầu Cái Cau được 45% khối lượng và cầu Cái Trâm được 30% khối lượng. Riêng đối với cầu Rạch Mọp liên danh với Công ty 479 thì 525 đã hoàn thành phần cọc khoan nhồi và đang tiến hành thi công phần mố trụ. Theo “đà” này, ngày về đích đúng thời hạn chắc chắn sẽ đạt được.

Họ đang phấn đấu làm xong phần bê tông trước ngày 30/12/2007. Như vậy tại một thời điểm, 525 phải tập trung cho hai công trình lớn đòi hỏi tiến độ nhanh. Tôi hỏi ông Nuôi: “Liệu có kham nổi không?” Ông Nuôi khẳng định: “Năng lực thi công của chúng tôi còn dồi dào mà!”.

Không những chỉ qua hai công trường trọng điểm ở miền Tây Nam Bộ như hiện nay mới thấy được thực lực của 525, mà trong quá trình xây dựng trưởng thành, không năm nào 525 không hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra và được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Nhà nước. Trong đó cao nhất là danh hiệu Anh hùng Lao động trong kháng chiến chống Mỹ và Huân chương Lao động hạng Nhất trong những năm tháng dựng xây.

Đêm sông Hậu buông xuống rất nhanh. Chúng tôi quây quần bên bàn ăn tại Trụ sở Ban Điều hành Công trường. Sáng nay “chị nuôi”, một cô gái nhỏ nhắn đã vượt 5 cây số đường ra chợ Cái Cón mua được một con gà ta về “đãi khách”. Bữa cơm đạm bạc nhưng thân mật chỉ kéo dài chưa đầy một tiếng đồng hồ. Hình như thời gian ở đây quá ngắn mà công việc thì quá nhiều nên mọi cái đều phải tiến hành khẩn trương.

Cơm nước vừa xong, ai nấy bắt tay ngay vào việc. “Đêm nay các cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường lại phải thức. Tiếng máy, tiếng búa liên tục âm vang một vùng sông nước. Tín nâng một ly cối cà phê đặc quánh, anh nói mà như nói với chính mình: “Phải chơi cái này mới chống cự nổi những cơn buồn ngủ”. Tôi lặng lẽ mang máy ảnh đi về phía bờ sông Hậu, nơi đang chói sáng những ánh điện công trường.