Vươn lên làm chủ công nghệ xây dựng cầu hiện đại

Trường Sơn xẻ dọc rọc ngang

Xẻng tay mà viết lên trang sử hồng

( Tố Hữu)

Vâng ký ức một thời của những người thanh niên Xung phong chống Mỹ cứu nước trên những tuyến đường Trường Sơn năm xưa trong đó có Đội Thanh niên Xung phong 25 – Ban Xây dựng 67 anh hùng – tiền thân của Công ty Cổ phần XDCT 525 ngày nay – cứ hiện lên trong tâm trí chúng tôi trong những ngày tháng Năm lịch sử.

Bằng đôi tay trần với những dụng cụ thô sơ như xẻng, cào, xà beng, cuốc chim, đòn bẩy… các thế hệ cha anh đi trước đã làm nên những điều kì diệu. Đó là những con đường, những chiếc ngầm, cây cầu để vận chuyển hàng hóa, vũ khí, bộ đội chi viện cho tiền tuyến mặc cho bom rơi, đạn nổ, bệnh tật, mưa lũ, cái chết cận kề…

Tháng 5/2009 tôi có dịp cùng với đoàn cán bộ của Công ty Cổ phần XDCT 525 đi thăm lại chiến trường xưa như đường 20 Quyết thắng, hang Tám Cô, phà Long Đại, phà Xuân Sơn… Viếng nghĩa trang Thọ Lộc nơi đó có hàng trăm chiến sĩ của Đội Thanh niên Xung phong 25 đã ngã xuống vì miền Nam ruột thịt, vì sự nghiệp thống nhất đất nước. Chiến tích của con đường, chiếc cầu, ngầm tạm năm xưa vẫn còn đó mặc dù bây giờ con đường Hồ Chí Minh huyền thoại đã được xây dựng hoàn thành đẹp như dải lụa vàng vắt dọc theo dãy Trường Sơn.

Chiến tranh lùi xa, những người thợ cầu Công ty 525 bước vào giai đoạn hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới. Từ Bắc tới Nam đâu đâu tôi cũng thấy những công trình do Công ty Cổ phần XDCT 525 thi công. Mặc dù lúc bấy giờ đất nước còn muôn vàn khó khăn nhưng với khí phách của những người lính Trường Sơn năm xưa, của đơn vị Anh hùng, chỉ với những thiết bị lạc hậu và cũ kỹ nhưng họ đã vượt lên chính mình làm nên những công trình dài lâu cho đất nước như khôi phục Quốc lộ 1A đoạn Quán Hầu – Vĩnh Chấp, khôi phục đường sắt thống nhất từ Phú Mỹ đi An Nhơn và hàng loạt chiếc cầu trên Quốc lộ 1A, QL19. Từ bước đầu gian khổ đó Công ty đã dần dần phát triển đi lên, trở thành đơn vị thi công cầu chủ chốt của Tổng Công ty XDCTGT 5 và của Bộ GTVT. Được sự đầu tư mạnh cả về nguồn nhân lực và máy móc thiết bị để thi công cầu, những người thợ Cầu 525 đã có mặt ở khắp nơi ngày đêm cho từng đoàn xe qua lại trên những chiếc cầu đường bộ như: Quá Giáng, Vĩnh Phú, Đà Rằng, Thạch Mỹ, Sông Bung, các cầu Miền Tây Nam Bộ…; đến các tuyến đường sắt Bắc Nam  525 như cầu Kỳ Lam, Nam Ô, Tam Kỳ… Về Cảng biển có Cầu Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), Cảng Hòn La (Quảng Bình), Cầu Cảng Qui Nhơn vươn dài trước biển lớn đón những chuyến tàu cập bến. Từ những kết cấu dầm thép, dầm BTCT đổ tại chổ đến dầm BTCT dự ứng lực có chiều dài 24m, 33m, 39m, 42m… đã được Công ty áp dụng rất sớm và có hiệu quả với đường kính khoan từ 0,6m; 0,8m; 1m; 1,5m… với độ sâu lên đến 80m và đang chuẩn bị khoan cọc cầu Cửa Đại với đường kính lên tới 2m và độ sâu 83m. Nhờ sự đầu tư mới về công nghệ xây dựng cầu nên các công trình do công ty thi công dù rất phức tạp nhưng đều hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng. Đó là những thành tựu đáng tự hào và trân trọng đối với những người thợ cầu đã làm nên những công trình cho đất nước trong nhịp điệu phát triển chung.

Năm 2010, đất nước đang hân hoan chào đón những ngày lễ lớn, đặc biệt là đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Công ty vinh dự trúng thầu 2 công trình có tầm cỡ với kết cấu khá hiện đại và mang tính nhân văn cao. Đó là cầu Bến Thủy 2 và cầu Cửa Đại. Cầu Bến Thủy 2 được xây dựng nhằm giảm tải cho cầu Bến Thủy hiện tại. Cầu có bề rộng 24m với 4 làn xe cơ giới và 2 làn thô sơ. Công ty Cổ phần XDCT 525 tham gia thi công Nhịp chính. Nét độc đáo của Cầu Bến Thủy 2 là nhịp chính đúc hẫng cân bằng có chiều dài 120m đặt trên trụ cầu có hình dạng được thiết kế cách điệu hình bó đuốc biểu tượng cho quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đây thực sự là một thử thách khá lớn nhưng cũng là niềm vinh dự được xây dựng chiếc cầu trên quê hương Bác Hồ kính yêu. Hiện nay Công ty đang nổ lực thi công phần hạ bộ và chân trụ, chuẩn bị nguồn lực để thi công nhịp đúc hẫng dài 120m đạt yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng và tiến độ đề ra. Đến năm 2012 một công trình mang đậm dấu ấn hiện đại nối đôi bờ Sông Lam sẽ được hoàn thành và những người thợ cầu 525 sẽ tự hào mình đã được đóng góp công sức để xây nên chiếc cầu hùng vĩ này tạo động lực phát triển kinh tế và xã hội trên quê hương Bác Hồ và cả khu vực Bắc Miền Trung.

Cầu Cửa Đại thuộc tuyến đường bộ ven biển tỉnh Quảng Nam vắt qua khu vực phường Cửa Đại, Cẩm Châu, xã Cẩm Thanh thành phố Hội An, xã Duy Nghĩa, Duy Hải huyện Duy Xuyên, xã Bình Dương, Bình Minh, Bình Đào huyện Thăng Bình với tổng chiều dài 18,3km trong đó phần cầu Cửa Đại bắc qua sông Thu Bồn có chiều dài 1,48km. Cầu có bề rộng 25,2m với 4 làn xe cơ giới, 2 làn thô sơ với 3 nhịp (gồm 16 nhịp cầu dẫn và 7 nhịp cầu chính). Nhịp chính là những nhịp dầm hộp liên tục (70+120+3*150+120+70)m có cắt ngang hình hộp thi công theo phương pháp đúc hẫng cân bằng. Hộp có dạng 3 vách trong đó 2 vách ngoài thành xiên; bề rộng đáy hộp thay đổi từ 14,25m đến 16,529m; bề rộng bản cách B=24,85m. Hệ móng cầu là cọc khoan nhồi đường kính 2m và có chiều sâu là 83m. Đây thật sự là chiếc cầu kỷ lục lần đầu tiên tại Việt Nam có chiều dài nhịp đạt tới 150m với bề rộng cầu 25,2m (hộp 3 vách). Nên nhớ là cầu Hàm Luông trên quốc lộ 60 nối liền 3 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng vừa được khánh thành ngày 24/4/2010 là cây cầu có nhịp dài kỷ lục 150m với bề rông cầu 16m. Còn cầu Cửa Đại với nhịp 150m kỷ lục và bề rộng cầu khá lớn thật là 1 thử thách không nhỏ đối với Tổng Công ty XDCTGT 5 – đơn vị được UBND tỉnh Quảng Nam tin tưởng giao cho thi công chiếc cầu này. Công ty cổ phần XDCT 525 rất vinh dự được Tổng công ty giao cho thi công 6 nhịp cầu dẫn phía Nam và nhịp chính với 2 khung T có chiều dài nhịp lên tới 150m. Ông Nguyễn Doãn Bính – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc công ty tâm sự với chúng tôi rằng ước mơ xây dựng được những chiếc cầu to, đẹp bằng công nghệ hiện đại luôn ấp ủ trong ông. Từ thời còn những chiếc cầu thô sơ, nhịp giản đơn đến khi có nhịp Supper T theo công nghệ mới của Úc đưa vào Việt Nam thi công cầu Mỹ Thuận thì công ty Cổ phần XDCT 525 là đơn vị đi tiên phong trong việc thi công loại dầm này đầu tiên ở Miền Trung đó là cầu Tuyên Sơn (Đà Nẵng). Thành công nối tiếp thành công, vượt khó đi lên Công ty Cổ phần XDCT 525 ngày nay đã trưởng thành về mọi mặt. Ông tin rằng sẽ làm được và nhất định thành công. Bắt tay xây dựng 2 cầu Bến Thủy và Cầu Cửa Đại đặt ra cho ông nhiều trăn trở. Vui vì được trực tiếp thi công những chiếc cầu có công nghệ hiện đại và đòi hỏi kĩ thuật cao, nhưng cũng rất lo vì công ty phải có nguồn lực dồi dào, có khả năng tiếp nhận và triển khai thi công với những thiết bị hiện đại để đáp ứng yêu cầu cao về kỹ thuật, mỹ thuật là điều không hề đơn giản. Nên ngay từ năm 2009 Lãnh đạo Công ty đã có những bước chuẩn bị hết sức khẩn trương để đào tạo nguồn nhân lực, học hỏi, đi tham quan, tiếp nhận công nghệ, mua sắm thêm thiết bị mới và tất cả đã sẳn sàng cho việc xây cầu. Với bề dày truyền thống của các thế hệ đi trước, với những kinh nghiệm trong thi công cùng với đội ngũ kỹ sư giỏi, công nhân kỹ thuật lành nghề được trang bị máy móc thiết bị hiện đại thì việc hoàn thành xây dựng chiếc cầu đó chắc chắn sẽ trở thành hiện thực và chỉ còn không xa nữa đến năm 2013 cầu Cửa Đại bắc qua sông Thu Bồn nối thành phố cổ Hội An Di sản văn hóa thế giới với thành phố Đà Nẵng và khu kinh tế mở Chu Lai sẽ được hoàn thành. Lịch sử sẽ mãi mãi ghi nhận những người thợ cầu Việt Nam đã làm nên những chiếc cầu hiện đại nhất của đất nước trong đó có dấu ấn của những công nhân, kỹ sư Công ty Cổ phần XDCT 525.

Chiều buôn nắng trên dòng sông Gianh Quảng Bình. Cầu Châu Hóa vàng tươi sắc nắng tạo một gạch nối vững chải mà tráng lệ nối đôi bờ miền quê mát xanh ngô lúa, tím thẫm những ngọn núi đá nhấp nhô. Chiếc cầu dài hơn 300m mới được khánh thành vào dịp kỷ niệm 35 năm ngày đất nước thống nhất, trong niềm hân hoan bất tận của hàng vạn cư dân đôi bờ Nam – Bắc sông Gianh. Ít ai biết rằng, trong quá trình thi công trụ cầu, Công ty 525 đã gặp nhiều khó khăn, trụ T5 thi công gần xong hạ bộ thì phát hiện có hang ngầm Kasrt ở độ sâu 30m phải xử lý. Tốn sức, tiền bạc lại dồn vào khắc sự cố bất thường nay để công trình hoàn thành đúng tiến độ. Ngày khánh thành hàng vạn người dân các xã Châu Hóa, Tiến Hóa và vùng phụ cận thả bộ trên cầu, mặt rạng ngời vì sướng vui, vì xúc động. Ai đó trong đám đông bổng cất lên lơi thơ nghèn nghẹn:

“Khao khát trăm năm mãi đợi chờ

Hôm nay vui đến ngỡ trong mơ”

Lời thơ quen thuộc ngày nào được đọc lên đúng dịp, đúng lúc, đúng tâm trạng làm cho những người thợ cầu chúng tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Xa xa trên dòng sông Gianh hiền hòa xanh ngắt những chiếc đò mãnh mai vẫn miệt mài chở khách qua sông như vẩy gọi chúng tôi tiếp tục “ nối những bờ vui” trên những chiếc cầu mới.

 

Đà nẵng, ngày 27 tháng 05 năm 2010

NQT